Top

Judo: Môn võ lấy nhu chế cương

Judo hay còn gọi là Nhu đạo là một trong những môn võ thuật nổi tiếng của Nhật Bản. Tại Viện Kodokan, đại bản doanh của Judo tọa lạc ở thủ đô Tokyo có đặt bức tượng của người sáng lập môn võ này – tổ sư Kano Jigoro.
 
Kodokan được tổ sư Kano lập ra vào năm 1882. Đây là nơi đầu tiên giảng dạy Judo.
 
Sàn tập của võ đường Judo được thiết kế đặc biệt, trên sàn phủ một loại thảm có độ đàn hồi. Ngày xưa, người Nhật dùng chiếu Tatami để lót sàn nhưng hiện nay, những vật liệu mới đã được sử dụng nhưng tính năng của nó vẫn không thay đổi. Trong Judo, các thế đòn thường khiến đấu thủ ngã mạnh xuống sàn nên sàn thi đấu phải mềm để người ngã không bị đau.
 
Hiện nay, có khoảng 8 triệu người ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ theo học Judo. Điều này đã biến Judo thành môn thể thao võ thuật phát triển nhất của Nhật Bản.
 
Trong Judo, người ta chia ra nhiều nhóm đòn, trong đó có hai nhóm đòn chính là Katame waza và Nage waza.
 
 
 
Judo là môn võ lấy nhu thắng cương, mượn sức đánh sức, rèn luyện thân thể
 
Katame waza là kỹ thuật khống chế khiến cơ thể đối phương không thể động đậy. Trong nhóm đòn này quan trọng nhất là đòn đè Osae-komi. Nhóm đòn thứ hai Nage waza là kỹ thuật quật ngã đối phương. Trong trận đấu, võ sĩ giành thắng lợi tuyệt đối với điểm Ippon khi anh ta quật ngã đối phương, khiến lưng đối phương chạm mặt chiếu Tatami bằng một đòn Nage waza có sức mạnh và tốc độ. Có tổng cộng trên 60 đòn đánh thuộc nhóm đòn Nage waza.
 
Judo là môn võ lấy nhu thắng cương, mượn sức đánh sức, ứng dụng chủ yếu vào việc tự vệ, rèn luyện sức khỏe. Các đòn thế của Judo được phát triển dựa trên những nghiên cứu của tổ sư Kano Jigoro về cơ thể người kết hợp với nền tảng của môn võ cổ truyền Nhu thuật của Nhật Bản.
 
Ngày xưa, giới võ sĩ Sumuari phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe để tham gia chiến trận và bảo vệ lâu đài, lãnh thổ của lãnh chúa. Võ thuật là lựa chọn hàng đầu để tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của các võ sĩ Samurai. Trong đó, phổ biến nhất là môn võ Jujitsu hay còn gọi là Nhu thuật.
 
Đến thời Edo, Nhu thuật được phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn võ có hệ thống và được nhiều người theo học. Cùng với sự phát triển này, các võ sư cũng đã sáng tạo ra nhiều đòn đánh mới. Tuy nhiên, đến thời Minh Trị, thế kỉ XIX, Nhật Bản bước vào công cuộc hiện đại hóa, tăng cường tiếp cận văn minh phương Tây. Đây là lúc tầng lớp samurai suy yếu, Nhu thuật bị thất sủng vì nhiều người cho rằng, môn võ này đầy tính bạo lực và nguy hiểm.
 
 
 
Các yếu tố nguy hiểm trong Nhu đạo được loại trừ để cho ra đời môn võ Judo
 
Cũng vào thời điểm đó, thế giới võ thuật Nhật Bản chứng kiến sự ra đời của một môn võ mới thay thế Nhu thuật – môn võ Judo. Người sáng lập ra môn võ này là Kano Jigoro.
 
Lúc nhỏ, Jigoro là cậu bé thông minh nhưng thể chất ốm yếu, thường bị bạn bè bắt nạt. Nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của mình, năm 18 tuổi, Jigoro bắt đầu theo học Nhu thuật. Tuy nhiên, sau một thời gian theo đuổi môn võ này, Jigoro nhận ra rằng, Nhu thuật là môn võ chiến đấu với những đòn nguy hiểm, dễ gây tổn thương cho con người. Từ đó, ông nghĩ ra cách bỏ đi các yếu tố bạo lực trong nhu thuật.
 
 
 
Ông Kano Jigoro – người sáng lập ra môn võ này
 
Jigoro đã dốc hết sức cho sự cải tiến Nhu thuật, loại trừ những kỹ thuật có hại và nguy hiểm của môn võ này để biến nó thành một môn võ có tính giáo dục thể chất và là phương pháp tốt rèn luyện tinh thần kỷ luật, thượng võ cho thanh niên.
 
Trong quá trình tìm tòi để sáng tạo các đòn thế mới, Jigoro đã nghiên cứu cả những tài liệu về y khoa và cơ thể người. Không chỉ có vậy, ông còn tạo ra những con búp bê có hình dáng giống con người để thử nghiệm sự tác động của kỹ thuật mới lên các khớp.
 
Năm 1882, Jigoro sáng lập môn võ Judo dựa trên nền tảng của Nhu thuật. Ông mở trường dạy võ tại ngôi đền Eishoji – nơi sau này trở thành Viện Kodokan – thánh địa của Judo. Số lượng môn đồ theo học tại võ đường giai đoạn đầu khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10 người, nhưng đó lại là khởi điểm cho lịch sử phát triển hưng thịnh của Judo sau này.
 
Trong quá trình phát triển Judo, Jigoro không chỉ chú trọng đến kỹ thuật mà ông còn đưa cả yếu tố văn hóa truyền thống của người Nhật vào môn võ này. Điển hình là các kiểu chào mà võ sĩ Judo nào cũng phải nằm lòng. Judo là môn võ trọng nghi lễ. Trước khi bước vào trận đấu, hai võ sĩ cúi chào nhau, thể hiện sự tôn trọng đối phương.
 
Võ phục cũng rất quan trọng. Khi thi đấu, các võ sĩ thường nắm lấy vạt áo gần cổ đối phương để quật ngã đối phương, do đó, trang phục trong Judo phải được may bằng chất liệu mềm và chắc chắn để khi võ sĩ ra đòn, áo không bị rách và phần cổ áo không gây tổn thương cho người bị tấn công.
 
 
 
Judo là môn võ ôn hòa, đề cao tính tự vệ và rèn luyện thể chất nên rất được công chúng quan tâm. 10 năm sau khi ra đời, võ đường của Jigoro tiếp nhận khoảng 1.000 môn sinh theo học.
 
Judo nhanh chóng được truyền bá rộng rãi. Năm 1932, nó được đưa vào giảng dạy tại nhiều cấp học ở Nhật Bản và trở thành môn võ thịnh hành khắp cả nước. Không dừng lại ở đó, tổ sư Jigoro còn truyền bá Judo ra thế giới. Cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, Judo đã có mặt ở 24 quốc gia.
 
Năm 1938, khi Judo ở đỉnh cao của sự phát triển thì một biến cố lớn đã xảy ra – tổ sư Jigoro qua đời ở tuổi 79. Đó cũng là thời điểm xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Nhật Bản là một trong những nước tham chiến. Quân đội Nhật Bản đã sử dụng Judo bên cạnh các môn võ khác như Kiếm đạo, Sumo để rèn luyện sức khỏe và tinh thần của binh sỹ.
 
Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Nhật Bản bại trận và lần đầu tiên trong lịch sử, nước này bị quân đội nước ngoài chiếm đóng, cụ thể là quân đội Mỹ. Dưới chế độ quân quản, Mỹ thực hiện hàng loạt cải cách tại Nhật Bản. Trong nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, Mỹ đã cấm tất cả các võ đường hoạt động, trong đó có võ đường Judo.
 
6 năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, tức vào năm 1951, Liên đoàn Judo Quốc tế được thành lập. Judo trở thành môn thể thao tranh tài trên các đấu trường quốc tế.
 
130 năm trước, Judo được tạo ra từ ý tưởng của tổ sư Jigoro muốn dùng võ thuật để dạy con người phòng vệ và rèn luyện cơ thể. Ngày nay, Judo tiếp tục được phát triển và đã trở thành môn thể thao võ thuật của thế giới.
 

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com       


          

Tin tức khác

VÕ PHỤC KIM MINH

Địa chỉ: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com

Website: http://vophuckimminh.com

Facebook

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập: 7209584