Top

Vĩnh Xuân Quyền

Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của bạn Yuyu đăng trên chuyên mục Zen và Võ thuật của diễn đàn Langven.com, về Vĩnh Xuân Dưỡng Sinh Nhu Quyền (Dòng cố võ sư Ngô Sĩ Quí). Bài viết này là có lẽ được viết bởi một đồng môn của anh Việt Trung, thuộc dòng cụ Ngô Sĩ Quí.
 

Bài viết cho chúng ta một cái nhìn đa chiều hơn về môn Vĩnh Xuân. Tôi xin được chép lại và trích ra đây những phần liên quan đến nguyên lý vận động của môn Vĩnh Xuân, còn những thông tin khác mang tính cá nhân liên quan đến lịch sử môn Vĩnh Xuân Việt Nam, tên gọi của cụ Ngô Sĩ Quí, và dòng phái của cụ tôi xin được lược bớt. Rất mong tác giả lượng thứ vì đã không trích dẫn đầy đủ.

Nguyên tắc của Vĩnh Xuân là "Dĩ Nhu Chế Cương", nhưng không phải là không có Cương như nhiều người nhầm tưởng mà là "Cương Nhu Phối Triệt" nghĩa là Kết Hợp nhuần nhuyễn Cương - Nhu một cách Triệt Để và Hiệu Quả nhất.

Triết Lý xuyên suốt của Phật Gia Vĩnh Xuân là những nguyên lý triết học của Lão và Phật Giáo.

Vĩnh Xuân không chủ trương bạo lực, không tranh hơn thua ...Nghĩa là đứng trước đối thủ, môn sinh Vĩnh Xuân không tấn công trước, không tìm cách triệt hạ đối thủ mà họ chủ trương Hoà Giải Mâu Thuẫn trước tiên, nếu không hiệu quả, buộc phải động thủ thì họ chủ trương Hoá Giải Đòn Thế và Triệt Tiêu Sức Mạnh (chứ không triệt hạ) đối thủ theo đúng nguyên lý "Dĩ Nhu Chế Cương" và "Ác Giả Ác Báo".

Với nguyên tắc này, Vĩnh Xuân không tham gia thi đấu, để tranh hơn thua, nhưng hễ đã động thủ thì bất khả chiến bại, nghĩ là luôn luôn thắng.

Bạn hãy quan sát những hiện tượng thiên nhiên như sau : Một cơn bão lớn quét qua một khu rừng . Tất cả (hoặc hầu như tất cả) các cây đại thụ lừng lững đều bị quật ngã ...duy chỉ có cây liễu mảnh mai, hay cây cỏ may mềm mại là vẫn đứng vững ....Vì sao ? Đấy là bởi vì Dĩ Nhu Chế Cuơng . Cây Liễu và cây Cỏ May đã Hoá Giải được sức mạnh kinh hồn của trận cuồng phong và Triệt Tiêu nó gần như hoàn toàn, nên đã trụ vững , trong khi các hảo hán sơn lâm đều bị gục ngã!

Một chân lý kỳ diệu như vậy của thiên nhiên, nếu được áp dụng vào võ thuật thì hay biết bao nhiêu? Và Vĩnh Xuân là môn phái áp dụng triệt để nhất nguyên lý Nhu vào trong Võ Thuật!

Vì thế môn võ này là lý tưởng cho phụ nữ và những người nhỏ yếu luyện tập vừa có lợi cho sức khoẻ vừa hiệu quả để tự vệ ....Nhưng bạn thử tưởng tượng, một phụ nữ nhỏ yếu mà còn có thể tự vệ hiệu quả trước một đối thủ to khoẻ hơn nhiều lần thì một người vốn dĩ bẩm sinh to lớn khoẻ mạnh mà lại được trang bị Vĩnh Xuân thì hiệu quả lớn đến đâu ? Điều đó cho thấy, tuy chẳng thi đấu, nhưng Vĩnh Xuân gần như vô định, nếu mang ra tranh thắng ....

Phương pháp Hoá Giải và Triệt Tiêu của Vĩnh Xuân là gì?

Nói một cách đơn giản thì đó là các kỹ thuật Quấn Dính và Xoay Vòng!

Nói đến Xoay Vòng thì những ai tập Akido đều biết : Dùng các kỹ thuật Xoay, Trượt và Xoay Vòng, Hiệp Khí Đạo đã chẳng những Triệt Tiêu được sức mạnh của địch mà lại còn dùng sức địch đánh địch! Gặp một võ sĩ Akido, đối phương , dù mạnh đến mấy, nhưng hễ lao vào tấn công là cứ bị trôi tuột đi, xoay vòng và ngã lăn queo đủ mọi cách trong khi võ sĩ Hiệp Khí Đạo gần như không thấy động thủ!

 

Chiêu thức kỳ diệu và kỳ quái này Hiệp Khí Đạo đã học nguyên si từ Vĩnh Xuân!
Tuy nhiên còn một chiêu thức kỳ diệu mà kỳ quái nữa, đặc trưng của Vĩnh Xuân mà không một môn phái nào có được, đó là Quấn Dính!

 

Nghĩa là sao?

Nghĩa là nếu gặp một cao thủ Vĩnh Xuân, đối phương chỉ có hai cách để chịu ....thua ! Hoặc là Dĩ Hoà Vi Quí, Hoà Giải ngay từ đầu - điều mà các võ sĩ Vĩnh Xuân luôn khuyến khích, rút lại lời tuyên chiến, hoặc là bị Hoá Giải trong trạng thái Quấn Dính như Hình với Bóng không cách nào phản công cho đến khi được tha!

Như vậy ngoài kỹ thụật xoay vòng, cương nhu phối triệt để hoá giải đòn thế đối phương, Vĩnh Xuân sử dụng kỹ thụật Quấn Dính để bám sát đối phương đến mức đối phương hoàn toàn bất lực không thể ra đòn, phản đòn và mọi đòn đánh cương, trường và cường cực mạnh đều trở nên vô dụng!

Vì thế có thể nói Thủ Pháp của Vĩnh Xuân cực kỳ lợi hại và kỳ quái vì như là vô chiêu diệt hữu chiêu, bất chiến tự nhiên thành . Hoá ra trong võ thuật, không phải cứ đánh được đối thủ là giỏi là hay mà phải là làm thế nào đối thủ không đánh được mình nữa mới càng giỏi càng hay.

Đấy chính là nguyên tắc tu hành của Phật tử: Từ bi, không gây ác với tha nhân, nhưng trong đời nếu gặp kẻ ác, buộc phải động thủ để tự vệ thì sẽ trước tiên hoà giải mâu thuẫn, rồi hoá giải mâu thuẫn, vô hiệu hoá cái ác, khuất phục, tiến tới cảm phục cái ác cải tà qui chính ...đấy chính là cái hay của triết lý Vĩnh Xuân Phật Gia . ...

Triết lý này của Vĩnh Xuân đã được bỉ nhân đưa vào 2 câu chuyện ngụ ngôn Sự Tích Cỏ May và Con Ngựa Bất Kham :

Về các bài tập cơ bản thì Vĩnh Xuân nhập môn bao giờ cũng có bài 108 cơ bản tập song song với các bài luyện mềm dẻo cơ khớp, xoay chân xoay người, du đẩy, bật, quấn dính và luyện khí, định thần như hầu hết các môn kung fu khác. Sau đó sẽ học dần Ngũ Hình tuỳ căn cơ môn sinh mà đi từ dễ đến khó ....

Ngũ Hình của Vĩnh Xuân cũng tiêu biểu cho 5 đặc tính của môn phái và lấy 5 con vật đặc trưng: Long, Xà , Hổ , Báo, Hạc.

Trong đó:

 

Long tượng trưng cho Cương
Xà tượng trưng cho Nhu
Hổ tượng trưng cho Dũng
Báo tượng trưng cho Trí
Hạc tượng trưng cho Tĩnh

 

Nhưng trong Vĩnh Xuân yếu tố Nhu và Tĩnh được đặt lên hàng đầu để đối phó với yếu tố Cương và Động

Vì thế hình biểu tượng ngày nay của Vĩnh Xuân Quyền (dưới tên mới là Dưỡng Sinh Nhu Quyền) là hình Xà ( Nhu ) quấn quanh chân Hạc( Tĩnh )....

Áp dụng võ thuật vào thực tế .....

Võ thuật nếu có mang ra thi thố, chỉ là trong những điều kiện lý thuyết và rất quân tử. Nhưng khi đã ứng xử quân tử vơi nhau thì chẳng cần võ thuật nữa ...Tuy nhiên học võ thuật để tự vệ cũng cần thiết và chủ yếu là để rèn luyện sức khoẻ và thêm bản lĩnh để ứng xử trong cuộc sống dưới những hình thức khác, không nhất thiết là cứ phải đánh nhau . Nhiều người, nhất là những người học các môn phái cương như Karate, TeakQuando thường cho là Vĩnh Xuân không thực tế, vì đánh không có lực ...nhưng đó là do quan niệm khác nhau thôi. Vì Vĩnh Xuân chủ trương Nhu triệt để và luyện tập mềm dẻo, tận dụng những ưu điểm sẵn có của mỗi người, thuận theo tự nhiên chứ không chủ trương gò ép, biến người thành công cụ như gỗ đá. Mõi bên đều có triết lý của nó. Các môn phái cương đều có những bài luyện tập để biến tay chân thành những công cụ ghê hồn, có thể chém chặt gạch gỗ đá hoặc rèn luyện sức chịu đựng phi thường của cơ thể, có thể chịu được những đòn đánh rất bạo lực v.v...Nhưng tất cả những cái đó thời xưa, khi còn dùng vũ khí thô sơ, có thể còn hữu dụng, còn ngày nay là một xu hướng sai lầm và có hại. Trước hết nó làm tổn thương ngay trên cơ thể võ sinh. Hầu hết đều làm võ sinh bị rạn xương, dão, đứt dây chằng và ảnh hửong nhiều đến sức khoẻ khi về già. Chưa kể đến vịệc dùng đòn cương chém chặt gỗ gạch tưởng là mạnh nhưng nếu thay miếng gỗ bằng miếng cao su hay đặt miếng gỗ trôi nổi trên mặt nước thì các đòn cương trở nên vô dụng! Việc cơ thể rèn luyện để chịu lực tác động lợi bất cập hại vả lại nếu cơ thể mềm dẻo, linh hoạt và xoay trơn tru như một chiếc bản lề thì việc chịu lực hoàn toàn không cần thiết.

Đấy chính là sự thực tế của Vĩnh Xuân. Vĩnh Xuân không chủ trương tấn công trước mà chỉ dùng thủ để công, hoá giải được đối phương mà không cần đánh. Bằng các đòn thế, động tác quấn dính, du đẩy, tì, trôi trượt, kéo, lăng v.v...Vĩnh Xuân dùng sức địch đánh địch, theo một nguyên tắc rất vật lý là " phản lực " và một nguyên lý rất Phật Giáo là "ác giả ác báo", nghĩa là địch dùng bao nhiêu sức tấn công ta thì sẽ bị đánh trả bằng ngần ấy ....

Sự luyện tập theo môn phái cương chẳng những đòi hỏi thể lực cao mà hiệu quả lại không cao vì giả định đối phương là những viên gạch cứng nhắc và địa hình luôn khô ráo, chắc chắn. Chính vì thế, khi gặp một đối phương "mềm như bún" thì các đòn thế cương gần như vô dụng, chưa kể nếu bị bám dính như hình với bóng thì thậm chí không xuất được chiêu nào, nhất là các đòn cước dài và mạnh , sở trường như của Karate. Đã có nhiều người nói đến việc kết hợp hai sở trường của hai môn phái "Tay Vĩnh Xuân, Chân Karate" ...Nhưng thực chất không thể có sự gán ghép đầu Ngô mình Sở như thế được , vì việc sử dụng chiêu thức của các môn phái là một hệ thống độc lập, chưa kể phương cách luyện tập hoàn toàn khác nhau đến mức đối lập như nước với lửa . Trong khi Karate chủ trương dùng bạo lực cương, cứng, nhanh, mạnh để công phá . Thì Vĩnh Xuân chủ trương luyện tập mềm dẻo, linh hoạt để hoá giải và đối phó bằng Linh Giác. Đây là điểm rất quan trọng. Trong các bài tập của Vĩnh Xuân ngay từ thời kỳ đầu đã rèn luyện cảm giác bằng việc liên tục tập quấn dính bằng tay, chân và sau là toàn thân, để giữ cho cơ khớp hoàn toàn mềm, lỏng, dẻo, tự nhiên và nâng cao sự nhảy cảm của xúc giác. Về sau để tăng cường xúc giác, các buổi luyện tập sẽ tiến hành trong môi trường ngày càng giảm ánh sáng, cho đến việc tập quấn dính trong bóng tối hoàn toàn. Ở các bài tập cấp cao thì có các buổi rèn luyện thi đấu trong trạng thái bịt mắt . Khi đó là ở trạng thái dùng Linh Giác để phán đoán và xử lý tình huống. Vì thế đối với Vĩnh Xuân người ta hay nói " tay có mắt " để chỉ việc rèn luyện kỹ năng " nhìn bằng tay" nghĩ là bằng xúc giác và dĩ nhiên là "nhìn bằng tai "nữa, nghĩa là bằng thính giác . Gộp chung lại là rèn luyện khả năng nhận biết bằng Linh Giác. Và để có một Linh Giác nhạy bén thì phải thật sự mềm lỏng, dẻo và linh hoạt trong cử động cơ khớp , vì thế hoàn toàn trái ngược vơi phương pháp luyện tập của phái cương nói chung và Karate nói riêng. Không những thế việc luyện tập kiểu này lại rất thực tế và có lợi cho sức khoẻ ở bất cứ lứa tuổi nào. Cũng vì thế " càng già càng dẻo càng dai ", tuy sức lực lúc cao tuổi kém hơn so với khi trẻ tuổi, nhưng các võ sư Vĩnh Xuân càng cao tuổi do luyện tập lâu năm nên Linh Giác càng nhạy bén và điêu luyên hơn nên không hề thua kém các võ sinh trẻ như các môn phái cương khác.

Cũng chính vì nó thực tiễn và có lợi cho sức khoẻ nên Vĩnh Xuân hiện đại Việt Nam từ hơn 10 năm nay đã lấy tên chính thức là Dưỡng Sinh Nhu Quyền. Một môn võ chủ trương rèn luyện sự mềm dẻo và sống thuận tự nhiên cả về tinh thần lẫn thế xác. Hoá Lực chứ không Đối Lực. Có những ứng dụng rất đơn giản trong cuộc sống, chẳng hạn trong một đám đông, chen chúc vội vàng, thay vì chen lấn xô đẩy dùng sức cương để tiến lên phía trước chẳng nhanh và hiệu quả được bao nhiêu, ta dùng nhu thuật, xoay người, trôi trượt, hoá giải hầu hết các va chạm một cách nhẹ nhàng mà vẫn "luồn lách" tiến lên phía trước được nhanh chóng. Trong lĩnh vực tinh thần cũng vậy, thay vì để cho những sáng chấn tinh thần căng thẳng, sâu nặng, có hại cho sức khoả, ta hoá giải nó bằng nhu thuật để xả bớt sự dồn nén và tránh những chiu đựng những sang trấn quá mạnh trái với tự nhiên ...

Về triết lý, Vĩnh Xuân không giải quyết Mâu Thuẫn bằng Triệt Tiêu Đối Kháng mà bằng Hoà Đồng Đối Đãi. Điều đó cũng phù hợp với xu thế chung của Thời Đại cũng như Triết Lý Đông Phương; vì thế nó rất thực tiễn.


Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com       

                   


Tin tức khác

VÕ PHỤC KIM MINH

Địa chỉ: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com

Website: http://vophuckimminh.com

Facebook

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập: 7194668