Danh mục sản phẩm
Vài đặc điểm kỹ thuật của võ cổ truyền Việt Nam
VÀI ĐẶC ĐIỂM KỸ THUẬT
CỦA
VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Võ cổ truyền Việt Nam bao gồm: đấu vật, quyền cước và binh khí. Tuy nhiên, trong thực tế, khi nói đến kỹ thuật võ cổ truyền tức là nói đến kỹ thuật quyền cước lẫn binh khí. Thông thường, thầy dạy quyền cước trước, binh khí sau. Đặc điểm của quyền cước là có đủ kỹ thuật sử dụng đòn tay, chân, tấn công, phòng thủ, đánh xa, đánh gần… Võ sinh phải tập qua tất cả và tùy theo năng khiếu, sở trường của từng người mà tinh luyện.
Những kỹ thuật đòn tay, đòn chân được tập hợp trong những thế (hay còn gọi là miếng, tức bài tập tổng hợp các đòn tay, đòn chân để tấn công hoặc phòng thủ) và những bài thảo (hay còn gọi là quyền, tức một bài tập tổng hợp những thế). Việc dạy võ tiến hành theo trình tự: học thảo trước, học thế (miếng) sau, nghĩa là đi từ tổng hợp đến phân tích, ngược lại phương pháp huấn luyện của nhiều môn võ hiện nay. Thảo và thế miếng của Võ cổ truyền Việt Nam luôn thực hiện liên hoàn, không đứt đoạn để tạo hình hay tập trung phát lực như nhiều môn võ phương Đông khác. Đặc biệt, bài thảo thường triển khai trên 1 trục dọc, theo 2 hướng (tiến, lùi), hiếm thấy triển khai theo 4 phương hay 8 hướng như các bài thảo Trung Quốc.
Mỗi bài thảo trong Võ cổ truyền Việt Nam đều có một bài thơ ghi lại tất cả thế gọi là bài thiệu. Hầu hết thiệu được làm theo một trong những thể thơ: thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tự, lục bát, song thất lục bát. Đây cũng chính là điểm đặc thù trong phương pháp truyền bá võ thuật truyền thống Việt Nam - dạy võ bằng thơ ca giúp người tập dễ nhớ và nhớ lâu. Điều này khác hẳn với võ Trung Quốc: thiệu chỉ là những nhóm từ rời rạc, không vần điệu! Những bài thảo hiện còn lưu truyền là: Lão mai, Ngọc trản, Thần đồng, Đồng nhi, Phượng hoàng, Yến phi, Thiền sư …
Binh khí trong Võ cổ truyền Việt Nam cũng có thảo và thế miếng; người tập học thảo trước và học thế (miếng) sau; bài thảo triển khai liên hoàn, không đứt đoạn để phát lực hay tạo hình, chủ yếu di chuyển trên 1 trục dọc theo 2 hướng: tiến và lùi; mỗi bài thảo có một bài thiệu… Số lượng binh khí của Võ cổ truyền Việt Nam khá phong phú, đủ các loại đoản, trường như: côn, roi, đao, thương, kiếm, gươm, giáo, siêu đao, lăn khiên, mâu, cung tên… Theo nhiều tài liệu, binh khí Việt Nam cũng đủ “thập bát ban“(18 loại) với nhiều bài đang lưu truyền như: siêu Xung thiên, côn Tấn nhất, roi Thần đồng, côn Ngũ môn, côn Thất bộ, côn Tứ môn, côn Thái sơn, roi Trung bình…
Trước đây, tranh tài quyền cước, binh khí, chủ yếu diễn ra quyết liệt trong những kỳ thi võ tuyển lựa nhân tài ra giúp nước dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Kỳ thi võ cuối cùng tổ chức vào năm Canh Thìn (1880) tại Huế, với nội dung: sử dụng 18 loại binh khí, thi đấu quyền cước, roi và côn cùng với năm lính ngự lâm, thi binh pháp trận đồ và thi bắn súng. Các thí sinh thi đấu dưới sân, ban khảo ngồi trên đài cao nhìn xuống.
Khi người Pháp du nhập quyền Anh vào nước ta, việc thi đấu quyền cước của Võ cổ truyền Việt Nam mới được đưa lên đài cao (như quyền Anh). Kỹ thuật đấu quyền cước Việt Nam không khác lắm những môn võ trong khu vực (Pencak Silat, Tán thủ…). Cho nên, không ít võ sĩ Việt Nam (xuất thân từ võ truyền thống dân tộc) đã vươn lên thành những nhà VĐ khu vực, châu lục và thế giới của một số môn võ nước ngoài. Quyền cước Võ cổ truyền Việt Nam rất nguy hiểm, do hình thành từ thực tế, kinh nghiệm sinh tồn của dân tộc; vì, vấn đề xây dựng luật đấu đối kháng (quyền cước) của Võ cổ truyền Việt Nam hiện đang tiếp tục nghiên cứu, thể nghiệm (khoảng 2 năm gần đây Liên đoàn tổ chức đấu đối kháng trên thảm) nhằm: vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa nâng cao để trở thành môn thi đấu thể thao.
Xuất phát từ nhu cầu sinh tồn của dân tộc, các bậc tiền bối đã sáng tạo và liên tục bồi đắp ngày càng hoàn chỉnh những kỹ thuật đặc thù vào kho tàng Võ thuật cổ truyền Việt Nam, tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo mà chúng ta có trách nhiệm kế thừa, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện tại hầu góp phần tạo nên một “nội lực” Việt Nam.
HỒ TƯỜNG, võ sư
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)
Email: vophuckimminh@gmail.com
Tin tức khác
- Chấn hưng võ cổ truyền dân tộc trước nguy cơ bị thất truyền
- Lực pháp trong võ thuật
- Luyện tập với bao cát
- Những sai lầm dễ mắc phải khi tập luyện
- Đôi điều về Văn võ – Võ văn
- Võ thuật & Đạo làm người
- Võ Cổ Truyền – Ý nghĩ biểu của biểu tượng Âm Dương
- Lược sử võ thuật Việt Nam – Phần 2
- Lược sử võ thuật Việt Nam – Phần 1
- Các môn phái võ cổ truyền của Việt Nam
-
Giá: 400.000
-
Giá: 150.000
-
Giá: 600.000
-
Giá: 300.000
-
Giá: 200.000
-
Giá: 620.000
-
Giá: 250.000
-
Giá: 150.000