Top

Nguy cơ mất gốc Võ cổ truyền

Võ sư Phạm Phong, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam buồn rầu nói: “Cứ cái đà này chỉ vài năm nữa thôi Võ cổ truyền dân tộc sẽ mất gốc, hòa tan theo các dòng võ khác”.
 
 
Luyện tập Võ cổ truyền dân tộc.
 
Độc đáo Võ cổ truyền Việt Nam
 
Theo Võ sư Phạm Phong, trên thế giới hiếm có quốc gia nào có nền võ học lâu đời, độc đáo, hiệu quả, mang đậm tính chiến đấu, tính nhân văn cao cả như nước ta. Để trở thành quốc gia có nền võ học, các bậc tiên tổ đã xây dựng hệ thống võ học Việt Nam trên các nền tảng vững chắc bao gồm: Võ lý, võ lễ, võ đạo, võ kinh, võ cử, võ trận, võ thuật, võ y (Y học cổ truyền kết hợp với các pháp thuật về võ học để chữa bệnh), võ nhạc, võ miếu và võ phục.
 
Trong toàn bộ hệ thống võ học đồ sộ của dân tộc, Võ lý (Lý luận về võ) được tổ tiên ta đặc biệt coi trọng và xếp vào vị trí hàng đầu. Lý thuyết về võ của tổ tiên không chỉ hình thành trên mối quan hệ biện chứng và chịu sự tương tác giữa trời – đất; âm – dương, phép dùng người, dụng binh, lập trận, dụng thần – trí – khí – lực… mà còn là “Kim chỉ nam”, giúp con nhà võ và mọi người nhận thức đúng đắn, sâu sắc về cội nguồn, quá trình hình thành, phát triển và những bí quyết, tuyệt tác võ công của Võ cổ truyền dân tộc.
 
Một trong những nét độc đáo của Võ cổ truyền dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng mọi đội quân xâm lược là hệ thống binh khí do cha ông ta sáng tạo, trong đó có những loại vô cùng độc đáo. Bên cạnh các loại binh khí thông thường, cha ông ta còn sáng chế nhiều loại vũ khí độc đáo, đa chức năng, khả năng sát thương nhiều như: Nỏ liên châu, máy bắn đá, máy phóng lao; cung bắn tên “quả lựu”, tên “hai hổ đuổi dê”, “ống tên giấu hình”. Đây là các loại tên có mang theo thuốc nổ, thuốc cháy dùng để công đồn, công thuyền chiến; các loại nỏ có dàn đỡ bắn tên lớn, tầm xa…
 
Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, Trần Hưng Đạo cùng các tướng lĩnh chế tác “Lăn khiên hình thuẫn”. Đây là loại khiên nhỏ gọn, che chắn hiệu quả, tiện lợi cho việc áp sát người, ngựa đối phương rồi dùng mã tấu lưỡi cong, trên sống gắn câu liêm để móc, giật chân làm ngã cả người và ngựa đối phương để tiêu diệt. Cùng với đó là trang bị cho chiến binh xà cạp gắn nhiều lục lạc, khi áp sát địch thì rung lên làm rối loạn đội hình ngựa chiến… Các loại binh khí độc đáo này góp phần không nhỏ đánh tan quân Nguyên – Mông.
 
Thời Tây Sơn, các loại súng phun lửa “Hỏa long”, “Hỏa hổ”; “Hỏa tiễn”, “Bút sắt”, “Thiết lĩnh”, các loại binh khí cải tiến từ dụng cụ lao động như bừa cào, câu liêm, cuốc chỉa, chàng nạng, rựa quéo, phảng… cũng được cha ông ta sử dụng cực kỳ hiệu quả trong các trận đánh. Theo các tài liệu lịch sử và các di chỉ khảo cổ, cha ông ta đã sử dụng hơn 40 chủng loại binh khí, trong đó có rất nhiều chủng loại binh khí chiến đấu đặc biệt hiệu nghiệm (chứ không phải “thập bát ban binh khí” – 18 loại binh khí như nhiều người đã nhầm tưởng).
 
Nhìn thấy nguy cơ mai một
 
Trong câu chuyện về nền võ học nước nhà, điều trăn trở lớn nhất với Võ sư Phạm Phong là người học võ cổ truyền dân tộc, nhất là thế hệ trẻ ngày một phai nhạt. Theo Võ sư Phạm Phong, Võ cổ truyền dân tộc có những chiêu thức, đòn thế vô cùng độc đáo, tinh diệu mà môn võ khác không có, trong đó phải kể đến những ngón đánh bằng đầu gối (bộ gối), cùi chỏ (bộ chỏ), biến ảo khôn lường. Đây chính là hai bộ pháp cực kỳ cao siêu, uyên bác, hấp dẫn đã được nhiều thế hệ người trong nước và nước ngoài say mê nghiên cứu, tìm học. Tuy nhiên, sau năm 1990, các ngành chức năng cho rằng “nguy hiểm”, nên không cho phép người dạy truyền thụ những thế đánh độc đáo này cho môn sinh để “thượng đài” thi đấu. Bị mất đi những tinh hoa, tuyệt chiêu độc đáo mang tính nghệ thuật cao, nói võ cổ truyền dân tộc như bị “trói tay, trói chân” biến thành “võ thể thao” xa lạ, không còn được yêu thích tập luyện như trước nữa. Không ít võ sư tâm huyết đã ngậm ngùi bỏ nghiệp võ, nhiều môn sinh “quay lưng”, chuyển sang học các môn võ khác, thậm chí các giải thi đấu cấp quốc gia cũng không còn hấp dẫn, thu hút người đến xem.
 
Một trong những yếu tố quan trọng để võ học, võ thuật duy trì, phát triển là hệ thống đào tạo, tập luyện, thi đấu. Hàng chục năm nay, Võ cổ truyền dân tộc không phải là bộ môn học tập, đào tạo trong các trường thể dục thể thao; không có các giải đấu mang tầm quốc tế. Việc truyền thụ chỉ dựa vào một số võ sư tâm huyết, những môn sinh yêu thích. Trong các môn phái, dòng tộc, vùng đất võ, không ít lão võ sư, vì quan niệm cũ kỹ, sợ bị “phản thầy”, không truyền thụ hết những bí quyết võ công cho học trò.Vì vậy, khi các cụ qua đời nhiều bài quyền, bí quyết võ công cũng mất theo. Hầu hết sách sử, tư liệu võ học trước đây đều ghi chép bằng chũ Hán, chữ Nôm, thế hệ sau khó tiếp cận, đó là chưa kể điều kiện bảo quản không tốt, bị hư hỏng, tiêu hủy dần dần…
 
Và những nỗ lực bảo tồn, phát huy
 
Tháng 6-2012, Võ sư Phạm Phong cho ra mắt cuốn “Lịch sử Võ học Việt Nam”. Sách dày 784 trang gồm hai chương, 12 mục, hơn 80 tiểu mục khái quát quá trình hình thành, các giai đoạn phát triển, các mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền Võ học dân tộc từ thời các Vua Hùng dựng nước đến nay. Cùng với toàn bộ hệ thồng Võ học nước nhà, cuốn sách còn giới thiệu đến bạn đọc sự nghiệp lẫy lừng của các bậc Tổ nghiệp, Tiên Đế, anh hùng dân tộc đại võ công; các di tích, vùng đất võ, các khoa cử, danh nhân võ học có nhiều đóng góp vào nền võ học. Đặc biệt, sách còn giới thiệu rất nhiều bài võ cổ, các chủng loại binh khí đặc dụng của cha ông đã sử dụng đánh thắng tất cả các đội quân xâm lược… Vừa mang tính khái quát lại vừa cụ thể, tỷ mỷ cùng với hàng trăm tư liệu quý, gây được sự chú ý, đánh giá cao của rất nhiều người.
 
Để hoàn thành cuốn sách, tác giả đã dành hàng chục năm “cơm nhà áo vợ” tìm đến hầu hết các bảo tàng, thư viện, viện nghiên cứu, các kho lưu trữ; lặn lội khắp các vùng đất võ để sưu tầm khai thác các nguồn tư liệu; gặp gỡ các dòng tộc, môn phái, võ sư tâm huyết; dày công nghiên cứu, biên soạn để sách trở thành nguồn tư liệu khá đầy đủ, chính xác, làm căn cứ truyền thụ cho thế hệ trẻ.
 
Để bảo tồn, phát huy nền võ học oai hùng của dân tộc, với tư cách Phó chủ tịch, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Võ sư Phạm Phong đã nhiều lần gửi tâm thư và trực tiếp đề đạt lên lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao – DL, Bộ Giáo Dục – ĐT, Tổng Cục TDTT… tăng cường tuyên truyền, tôn vinh, giáo dục thế hệ trẻ về nền Võ học nước nhà; sớm bảo tồn, đưa Võ cổ truyền dân tộc thành di sản văn hóa phi vật thể; đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy trong trường học, Quân đội, Công an; sớm đưa Võ cổ truyền vào hệ thống thi đấu đỉnh cao quốc gia; từng bước quảng bá, nâng Võ cổ truyền Việt Nam lên tầm quốc tế… Thật tiếc, những đề đạt tâm huyết đó vẫn chưa được các cơ quan quản lý quan tâm ủng hộ.
 
Theo Nhân Dân
 

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com       

    

Tin tức khác

VÕ PHỤC KIM MINH

Địa chỉ: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh

ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)

Email: vophuckimminh@gmail.com

Website: http://vophuckimminh.com

Facebook

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Lượt truy cập: 7195253