Danh mục sản phẩm
Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P1)
Thời niên thiếu
Tôi ra đời vào mùa thu năm 1920 trong một gia đình nề nếp sinh sống cạnh hồ Trúc Bạch. Dạo đó nơi đây còn rất hoang vu, ven hồ toàn là đường đất cây cối um tùm rậm rạp nên người lớn thường thêu dệt những chuyện ma quái để dọa bọn trẻ con chúng tôi.
Quê tôi là làng Yên Viên, một trong năm xã ngoại thành Hà Nội. Tương truyền rằng sau khi bình định được đất nước, vua Lê Lợi dời đô từ Lam Kinh (Thanh Hóa) về Thăng Long, những người thân cận nhà vua đã kéo về định cư lập thành năm xã bao bọc ở ngoại thành để bảo vệ nhà vua. Đó là Yên Thành nằm sát cổng phía Bắc, Yên Ninh ở mé Đông, làng tôi là Yên Viên nằm ở giữa, Yên Canh ở phía ngoài trấn giữ cửa Bắc và bên trên nữa là Yên Phụ. Tất cả vùng này về sau được gọi là khu Ngũ Xá là vì vậy.
Gia đình tôi gốc ở Thanh Hóa nhưng tôi chưa bao giờ có dịp về thăm nơi này. Cụ thân sinh của bố tôi tên Lê Vạn Thành có bốn người con, gồm người con gái lớn mà bố tôi gọi là chị Cả, rồi đến bác tôi tên Lê Văn Ninh, sau đó là bố tôi tên là Lê Văn Hiển (vì là con thứ ba nên được gọi là ông Ba) và một cô con gái em út của bố tôi.
Khi tôi vừa lớn lên thì bác Cả và cô út đều qua đời, do đó tôi không còn nhớ được tên của hai người.
Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Mùi quê ở làng Ninh Tập, Hưng Yên. Bên họ ngoại tôi sống tại Ô Đông Mác (khu Thanh Xuân bây giờ) thuộc ngoại ô Hà Nội.
Tôi là người con trai lớn trong gia đình. Năm lên chín mẹ tôi mới sinh thêm một cô con gái đặt tên là Lê Thị Xuất, rồi tám năm sau đó em út tôi là Lê Thị Dư mới ra đời, em nhỏ hơn tôi đến 17 tuổi.
Bố mẹ tôi sinh cùng năm (1887), nhưng không cùng tôn giáo. Gia đình bên nội tôi theo đạo gia tiên còn bên ngoại tôi theo Công giáo. Thời bấy giờ khác tôn giáo mà lấy nhau thì khó lòng tránh các trở ngại, gặp phải nhiều khó khăn, nhưng mẹ tôi vì yêu quý cha tôi nên vượt qua tất cả và chu toàn nhiệm vụ đối với nhà chồng.
Tuy có đạo nhưng mẹ tôi không bao giờ quên việc cúng kiến trong những ngày giỗ Tết và ghi nhớ những ngày giỗ để báo cho bố tôi. Còn bố tôi thì khi còn bé tôi vẫn nghĩ rằng bố tôi không bao giờ nhớ đến những ngày giỗ chạp trong gia đình, nhưng thực ra không phải thế, bằng chứng là bố tôi nhớ kỹ những ngày giỗ cả bên họ ngoại để nhắc nhở mẹ tôi. Mỗi khi có giỗ chạp tôi theo mẹ về bên ngoại từ sáng sớm, khoảng 12 giờ trưa mọi người trong gia tộc tề tựu để đọc kinh và ăn uống thì bố tôi bao giờ cũng có mặt trước đó khoảng một tiếng đồng hồ.
Bố tôi theo Nho học nhưng không chọn con đường khoa bảng. Cụ sống thụ động như phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ, ai cũng bài Pháp nhưng ít người dám chống đối công khai. Bố tôi bày tỏ thái độ bài Pháp tiêu cực bằng cách không chịu đóng thuế thân để có được giấy tờ chứng nhận có giá trị như chứng minh nhân dân hiện nay. Việc làm này có phần nguy hiểm, nếu bị tố cáo thì có thể đi tù như không.
Khi lên sáu, tôi được bố dạy chữ Nho trong hai năm, sau đó cụ cho tôi học chữ quốc ngữ ở lớp học tư vì nhận thấy chữ Nho không còn thông dụng. Mười bốn tuổi tôi học xong bậc tiểu học, muốn lên trung học phải xin vào trường Nhà nước. Bấy giờ ở gần nhà tôi có trường Yên Thành (nay là trường Việt Nam – Cu Ba), nhưng vì bố tôi không có giấy thế thân nên tôi không được vào học ở nơi này. Thế là con đường chữ nghĩa của tôi xem như gián đoạn từ đây.
Trong khi đó bác Lê Văn Ninh của tôi có ba người con gồm một trai và hai người con gái. Anh Quang là con trai duy nhất học hết bậc trung học ở trường Yên Phụ rồi bị ốm thình lình rồi chết. Trong dòng họ Lê chỉ còn mình tôi là con trai nên ai cũng quý. Sau khi anh Quang mất, bác Vinh muốn nhận tôi làm con nuôi và cho đi học vì bác có giấy thuế thân, nhưng bố mẹ tôi lại không đồng ý.
Lúc bé tôi rất to và khỏe, một lần trong khi chơi giỡn với trẻ con hàng xóm, một đứa bé tưởng nhầm tôi đánh anh nó bèn chạy về kêu cả gia đình mang gậy gộc ra. Có người trông thấy đến báo cho nhà tôi hay, thế là bác Vinh và bố tôi chạy ra. Bác tôi vốn giỏi võ – Có thời đã sang Trung Quốc thượng đài tỉ thí – nên hùng hổ xông vào hét :
- Thằng nào dám đánh cháu tao, chấp cả gia đình nó ra đây.
Trong khi đó bố tôi lại véo tai tôi bắt phải về nhà. Lúc đó tôi giận lắm,trong khi bác tôi hăng hái bênh vực tôi thì bố tôi lại chẳng có thái độ nào đứng về phía con cái. Nhưng dần dần tôi nhận thức đó là một đức tính của bố tôi, luôn hòa nhã với mọi người cũng như với bà con chòm xóm, không bao giờ để xảy ra chuyện xích mích, nhờ vậy mà sau này tôi học hỏi và thừa hưởng được tính cách đó để xử sự trong cuộc sống.
Hàng ngày tôi được bố cho vài xu để ăn xôi hoặc quà bánh nhưng tôi chỉ dùng một trinh (tức 1/20 xu) là đủ no. Hồi ấy một tô phở lớn giá ba xu, tô bé chỉ có hai xu. Tôi tiết kiệm chỉ ăn xôi còn tiền dư thì xâu thành một dây tiền xu buộc vào bụng. Bây giờ mà làm thế thì sẽ coi là lố bịch, nhưng lúc đó tôi cho là oai lắm ! Cạnh nhà tôi có một ông hàng xóm nhỏ tuổi hơn bố tôi nên tôi gọi bằng chú, ông vốn nghiện thuốc phiện, thấy tôi có tiền nên hỏi vay. Tôi biết ông không có khả năng trả nợ nhưng nhờ tính hiếu hòa của bố truyền lại nên tôi vẫn đưa. Tôi không nói cho bố mẹ biết coi như đã tiêu hết tiền thế thôi.
Bố tôi là người có tư tưởng phóng khoáng, không áp đặt con cái điều gì cả. Lúc bé tôi thường theo mẹ đi lễ nên thuộc nhiều kinh đạo đến độ bên ngoại cũng khen ngợi, ngồi nghe các cụ giảng kinh cho con cháu, thỉnh thoảng tôi còn bổ sung một vài điều bị bỏ qua.
Bên ngoại rất cưng chìu tôi vì thủa nhỏ tôi thuộc loại xinh trai mà tính tình lại hiền lành, không bao giờ nghịch ngợm, lại thường xuyên theo mẹ đi lễ nhà thờ. Việc bố tôi không theo đạo thường bị bên ngoại chê bai dè bỉu. Trước thái độ có phần quá khích bố tôi luôn giữ được bình tĩnh, không bao giờ phản ứng khiến tôi rất khâm phục. Chính thái độ đó của bên ngoại khiến tôi không thích theo đạo.
Tất cả mọi người bên họ ngoại đều quý tôi và mong muốn tôi theo Công giáo nhưng tôi tìm cách thoái thác một cách nhẹ nhàng.
- Đạo nào cũng dạy con người ăn ở theo lẽ phải. Cháu có điều gì sơ xuất các chú bác cô gì cứ dạy bảo, còn việc theo đạo xin cho cháu được từ từ…
Các cụ cũng chinh phục tôi rất khéo léo :
- Việc đưa cháu đến với đạo cũng giống như các bác có một thức ăn ngon muốn chia cho các cháu. Tôn giáo là món ăn bổ dưỡng về tinh thần. Cô bác quý anh, nếu có món ngon mà giữ ăn một mình thì anh nghĩ thế nào ?
Tôi thưa :
- Các cô, các chú bác thương cháu, cháu rất biết ơn, nhưng có điều người lớn thì thích những món cay, món đắng, mà trẻ con thì thích ngọt bùi, thích ăn chua, khẩu vị có khác nhau.
Các cụ cười bảo :
- Cái món ngon mà không biết tại sao cháu cứ bảo là cay là đắng, ăn không được.
May mắn là mọi người cũng thông cảm mà không ép, phần tôi thì luôn tuân thủ những lễ nghi của bên ngoại nên không ai có thể trách móc được gì. Tôi có được bài học đầu đời từ tính hiền hòa của bố tôi là như vậy. Đó là kinh nghiệm tôi vẫn áp dụng trong cuộc sống, một mặt phải thuận theo lẽ đời sống phù hợp với hoàn cảnh để tồn tại nhưng một mặt vẫn giữ vững lập trường của mình.
Do tôi không thể tiếp tục học chữ được nữa nên bố tôi cho đi học nghề. Thời bấy giờ phụ nữ bắt đầu chưng diện nên nghề đóng giày rất phát triển, nhất là loại giày « mule » có gót cao, mặt giày thêu hình rồng phượng mỹ thuật. Ngày xưa thợ thủ công còn hiếm nên các cửa hiệu đóng giày tân thời rất cần thợ biết kỹ thuật và trả lương hậu hĩnh.
Ở Hà Nội có ông Tác là thợ giỏi bậc nhất nhưng chỉ truyền nghề cho con cháu trong gia đình. Thật ra chẳng qua công việc này còn mới mẻ lúc bấy giờ chỉ có ông là người thông thạo cách làm chứ chẳng phải tài năng hơn người. Ai nắm được kỹ thuật dần dà cũng sẽ giỏi như ông thôi. Ông Tác có người cháu là anh Lân được truyền nghề này, về sau trở thành bạn rất thân của tôi.
Thấy không có hy vọng gì gửi con cho người này, bố tôi xin ông Khôi -cũng là thợ đóng giày giỏi nổi tiếng ở Hà Nội, chỉ kém ông Tác – nhận tôi vào học nghề trong hai năm. Gia đình đóng tiền cơm cho tôi ăn ở luôn tại nhà thầy, vừa học nghề vừa làm mọi việc trong nhà , từ xách nước đến đun củi và làm việc vặc giống như đầy tớ.
Thế là từ năm 14 tuổi tôi vâng lời bố đi học nghề. Tôi vốn hiền lành, tướng mạo trông cũng dễ coi nên ở đâu cũng được mọi người quý mến. Thợ ngày xưa tham công tiếc việc, mùa đông trời rét, ông chủ đi ngủ sớm còn thợ phụ vẫn miệt mài làm thâu đêm. Ông chủ chỉ làm những công đoạn chính, còn các việc phụ giao hết cho đám thợ học việc, có khi làm đến ba bốn giờ sáng mới đi ngủ mà tám giờ sáng ông chủ thức dậy thì phải dậy theo.
Khi tôi mới đến học nghề, thầy Khôi có một thợ học việc gần hai mươi tuổi theo ông mấy năm sắp ra nghề. Ông thầy rất thương tôi nên dặn dò anh thợ phụ :
- Mày thức khuya làm đêm, cho em đi ngủ sớm vì nó còn bé.
Rồi ông nói riêng với tôi :
- Nếu nó không cho con ngủ sớm thì ngày mai mách bác, bác cho nó một
trận.
Đáng nhẽ phải chỉ dẫn từ từ, đằng này anh lại đùn đẩy mọi việc cho tôi, bắt tôi phải thức khuya làm thêm cho anh đi ngủ sớm. Tôi không phản ứng và cũng không mách lại với thầy mà cứ nhẫn nhục làm mọi chuyện anh sai bảo. Chính nhờ tính chịu đựng và cần mẫn đó mà tôi chóng thạo việc.
Khi anh thợ lớn ra nghề thì tôi cũng đã thạo việc. Hàng đêm thầy Khôi đi ngủ lúc tám giờ tối, tôi tiếp tục làm việc đến một hai giờ sáng. Trong khi đó anh Lân làm việc bên ông Tác, anh vốn chậm chạp nên công việc luôn bị ứ đọng. Vì thế thỉnh thoảng tôi thường ghé qua làm giúp anh vào buổi sáng sớm. Khi ông Tác bắt đầu làm việc tôi vẫn còn phụ cho anh Lân thêm mươi, mười lăm phút nữa. Nếu nhận thấy tôi cố tình tìm cách học nghề thì có lẽ ông ấy đã không đồng ý để tôi có mặt ở bàn làm việc riêng của ông. Nhưng lúc nào cũng thấy tôi cặm cụi làm xong việc rồi ra về nên ông không chú ý, điềm nhiên làm việc trước mặt tôi. Do vậy dù không cố tình tôi vẫn biết được một vài bí quyết kỹ thuật của ông rồi về áp dụng thử. Khi thấy tôi thực hiện được những kỹ thuật mới này, thầy tôi hết sức ngạc nhiên.
Tôi học nghề trong mấy năm được thầy Khôi rất thương. Tôi cũng quý thầy và nhận xét thấy phương pháp của thầy áp dụng là không hợp lý nhưng dù thế tôi vẫn không chê bai thầy. Tôi nghĩ sau này ra nghề tôi sẽ áp dụng cách làm của tôi.
Sau bốn năm học nghề, đến năm 18 tuổi tôi đã trở thành một trong những thợ giỏi nhất . Tôi làm việc cho tiệm giày Quận Chúa, một cửa hiệu nổi tiếng ở phố Hàng Ngang lúc bấy giờ, bình thường lương thợ giày chỉ khoảng hai mươi đồng một tháng nhưng riêng tôi được trả đến gần năm mươi đồng. Gia đình người chủ tiệm đối với tôi rất tốt. Những người thợ khác cùng làm chung có người ngang tuổi với bố tôi nhưng vẫn gọi tôi là bác để bày tỏ lòng tôn trọng vì tôi luôn tận tình chỉ dẫn họ.
Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng do ngày xưa không chú ý đến chuyện bồi dưỡng tẩm bổ nên công việc mệt nhọc cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu năm 1939, một hôm đang ngồi làm việc tôi bị trúng gió, khi đứng lên đột nhiên bị ngã quỵ xuống. Lúc tỉnh dậy, đầu óc tôi vẫn minh mẫn nhưng lại bị tê liệt cả người, sau đó không thể đi đứng bình thường được nữa, tay chân dần dần co lại.
Gia đình tôi nghèo nhưng cũng cố gắng chạy chữa thuốc men cả Đông y lẫn Tây y, ai bày gì đều nghe theo nấy. Cả họ chỉ có tôi là con trai nên mọi người xúm vào lo lắng, người này mua mấy chục thang thuốc, uống được một thang lại có người mách thuốc khác. Thuốc ta còn dễ mua, còn khi cần hai loại âu dược đặc trị cho bệnh của tôi thì không sao tìm thấy ở thị trường.
Ông chủ tiệm giày Quận Chúa bèn nhờ người thân trong gia đình làm bác sĩ trong bệnh viện Phủ Doãn mua giúp cho tôi. Nhờ uống thuốc này mà bệnh tình tôi thuyên giảm nhiều.
Trong cả năm trời bị bệnh phải nằm một chỗ, tôi tranh thủ đọc rất nhiều sách để học hỏi thêm. Tôi mê nhất những bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, đặc biệt những anh hùng hảo hán trong Thủy Hử lôi cuốn tôi nhất.
Tôi nghiệm ra rằng những nhân vật giang hồ trong truyện này không ai xuất chúng, nhưng nhờ cùng hợp lực với nhau theo đuổi mục đích chung « thế thiên hành đạo » nên đạt được thành công. Kể cả nhân vật Tống Giang tuy là người hào hiệp nhưng cũng không có gì nổi bật, xuất thân làm huyện lại, nhưng sau đó phạm tội rồi trốn đi. Ông cũng không phải là người tài giỏi, chẳng qua vì đảm nhận trách nhiệm của người đứng đầu nên được tôn xưng là Minh Công. Ông thành công trong việc chỉ huy nhờ sự sáng suốt và thu phục được nhân tâm hơn là tài năng thật sự.
Tôi đi đến kết luận rằng một cá nhân chẳng là gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực của những tài năng chung quanh, cho dù trong số đó không có ai phi thường nhưng nếu cùng chung sức chung lòng theo đuổi một mục đích thì sẽ thành công. Bộ sách Thủy Hử đã cho tôi một ý niệm rất tốt để áp dụng trong công việc về sau này.
Tôi cũng thuộc làu bộ Đông Chu Liệt Quốc đến độ về sau có nhà phê bình sách khi trao đổi bàn luận cũng phải ngạc nhien về trí nhớ của tôi. Pho truyện này phản ánh đầy đủ tất cả mọi sự việc cũng như mọi cảnh ngộ trong đời sống. Và tôi cũng rút ra nhiều bài học về việc ứng xử cũng như cách giải quyết nhiều tình huống từ quyển sách này. Tuy nhiên mỗi thời đại tâm lý xã hội có khác nhau do đó việc áp dụng phương pháp giải quyết không phải cứ rập khuôn là được mà phải linh động theo từng thời, những việc trong sách chỉ gợi cho mình một hướng để giải quyết.
Suốt thời gian nằm dưỡng bệnh, đầu tiên tôi đọc sách võ hiệp, trinh thám, tiểu thuyết rồi dần dần đọc các loại sách về tư tưởng.
Những năm này chiến tranh bắt đầu căn thẳng, cuộc sống trở nên khó khăn, mọi người cũng bớt chưng diện, mua sắm. Lúc bấy giờ vật giá đắt đỏ hơn nên nếu trước đó mỗi tháng chỉ cần khoảng hai ba chục đồng là đủ sống thì nay chừng đó tiền không sống nổi với giá cả ngày càng leo thang.
Mấy người thợ cùng làm chung tới hỏi ý kiến tôi về việc xin tăng lương. Tôi đề nghị họ cân nhắc kỹ xem mức tăng tối thiểu là bao nhiêu để có thể sống được thì xin đúng chừng ấy, đừng nên đưa lên cao để chủ hạ xuống rồi cũng phải chấp nhận. Đó là nguyên tắc xử sự của tôi. Thế nhưng các ông ấy không nghe theo, một mực yêu cầu tăng lương 30%, đến khi chủ thương lượng chỉ tăng 20% họ cũng chấp thuận. Khi nghe nói lại tôi rất bất bình. Những người thợ vẫn có thói quen như thế. Chẳng hạn khi túng thiếu cần vay mười đồng họ phải hỏi mượn 30 đồng để chủ bớt lại là vừa. Riêng tôi không bao giờ xử sự như vậy mà luôn cân nhắc thận trọng trong từng việc, cần bao nhiêu nói bấy nhiêu. Nếu tôi hỏi vay 30 đồng mà chủ đưa 10 đồng thì tôi không nhận vì không đủ khoản tôi thực sự cần.
Ông chủ tiệm đã tìm cách chạy vạy mua thuốc men, giúp đỡ tôi tận tình, tôi mang ơn ông đồng thời còn nợ ông tiền thuốc. Nhưng tính tôi luôn muốn rạch ròi mọi chuyện, tiền nợ tôi hứa sẽ trả ngay sau khi tôi đi làm, nhưng ngược lại tôi xin tăng lương đủ 30% thì mới làm việc.
Tôi chưa khỏe hẳn, còn đi tập tễnh nên xin chỉ làm một buổi, ông chủ đồng ý mọi điều kiện của tôi, vì lúc bấy giờ thợ giỏi rất quý và hiếm. Do thời cuộc khiến công việc làm ăn bị khó khăn, chứ hồi đó người chủ nào cũng nể nang và quý trọng thợ kỹ thuật, thậm chí còn có người thợ đòi hỏi ông chủ phải ngồi tiếp cơm họ mới chịu làm.
Nghe theo lời khuyên của gia đình, tôi tìm thầy học võ với mục đích tập luyện để phục hồi sức khỏe và đi đứng bình thường trở lại. Kinh nghiệm cho thấy thuốc men chỉ điều trị khỏi bệnh chứ không làm cho người khỏe hẳn được. Duyên may đưa tới, tôi đến với lớp Vovinam tại trường Sư Phạm (Ecole Normanle) do võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc giảng dạy.
(Còn tiếp)
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)
Email: vophuckimminh@gmail.com
Tin tức khác
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P6)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P5)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P4)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P3)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P2)
- Vovinam trên đường quốc tế hóa: Giấc mơ lớn của võ Việt!
- Vovinam trên đường quốc tế hóa
- Vovinam – Việt võ đạo: 70 năm một chặng đường xây dựng và phát triển
-
Giá: 250.000
-
Giá: 550.000
-
Giá: 1.020.000
-
Giá: 1.170.000
-
Giá: 600.000
-
Giá: 720.000
-
Giá: 110.000
-
Giá: 280.000