Danh mục sản phẩm
Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P6)
Về phần Sáng Tổ, từ khi vào Nam dạy võ ở tòa soạn báo Phương Đông cho đến khi ông Hồ Hữu Tường bị bắt, tờ báo đóng cửa. Trước đó ông Tường cho mượn chỗ dạy không phải trả tiền, nay nếu tiếp tục dạy phải trả tiền thuê nhà rất cao, đúng lúc đó Sáng Tổ lâm bệnh nên nghỉ dạy.
Sáng Tổ có một người em trai rất giàu, sở hữu một đồn điền trà lớn ở Blao, có khách sạn sang trọng ở Long Hải và tòa nhà cao ốc « Everest » ở đường Nguyễn Văn Tráng, nên sẵn lòng cưu mang anh mình.
Riêng tôi trước nay theo Sáng Tổ vì tình nghĩa thầy trò, cố gắng đỡ đần thầy trong khả năng của mình chứ không hề nhận sự giúp đỡ nào về tiền bạc. Vì thế nay tôi cũng muốn tự lực cánh sinh chứ không nhờ vả đến người em của Sáng Tổ dù ông sẵn lòng. Đó là một trong những niềm tự hào của tôi từ trước đến nay.
Sang năm 1957 thầy Lộc mệt nhiều nên ủy nhiệm cho tôi điều khiển môn phái. Nếu tiếp tục buôn pháo có lẽ tôi sẽ làm giàu nhanh chóng. Năm trước đang trắng tay mà tôi còn làm được, nay đã có uy tín thì chắc càng dễ hơn. Nhưng tôi quyết tâm hướng về con đường võ thuật nên bỏ hết chuyện làm ăn. Trước đây chỉ dạy phụ thầy, tôi có thể buôn bán thêm được, bây giờ phải thay ông điều hành môn phái nên tôi không còn thì giờ nữa. Khi thầy còn khỏe, tôi phụ tá nên còn có thể đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ, nay tôi thay thầy thì đành phải dẹp chuyện học hành, đó là điều tôi tiếc nhất.
Những năm trước Sáng Tổ có tiếng tăm nên được nhiều tổ chức mời dạy võ, nhân sĩ miền Nam nghe tiếng đến xin thụ giáo rất đông, dần dần họ giới thiệu dạy cho nhiều nơi. Khi sức khỏe Sáng Tổ bắt đầu sa sút, các lớp dạy võ cho quân đội đều giao cho tôi đảm trách. Tại Sài Gòn tôi dạy võ cho lớp sĩ quan Hiến binh thuộc Bộ tư lệnh Hiến binh ở đường Lý Thái Tổ, còn ở Thủ Đức tôi dạy cho tân binh ở Trung tâm huấn luyện Hiến binh. Tại đây tôi quen với Đại tá Hiến binh Trần Văn Thoàn, ông này cũng là Phó chủ tịch Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam (quyền Anh). Lúc bấy giờ trong miền Nam chỉ có một Tổng cuộc duy nhất. Tổng cuộc này do người Pháp điều khiển. Chủ tịch và Tổng thư ký đều là người Pháp.
Năm 1956, khi Tổng cuộc chuyển sang phía Việt Nam, ông Trần Văn Thoàn được cử làm Chủ tịch. Ông giới thiệu tôi với các võ sư trong Nam và anh em tín nhiệm dồn phiếu bầu tôi làm Tổng thư ký đầu tiên.
Thực ra Tổng cuộc Quyền thuật chỉ phụ trách các môn võ thượng đài như quyền Anh hay võ Cổ truyền (võ tự do), nhưng vì đây là tổ chức võ thuật duy nhứt có tính cách pháp lý, do vậy những môn võ khác muốn mở lớp dạy chính thức và công khai không biết phải xin ai nên đành phải gõ cửa nơi này. Tôi cấp giấy chứng nhận cho các võ sư bằng cách dùng chữ trong văn bản rất khéo : « Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam công nhận võ sư này có thể điều khiển phòng tập võ với những điều kiện dưới đây : phải xin phép chính quyền địa phương, phải bảo đảm điều kiện vệ sinh… »
Có được giấy chứng nhận này các nơi dạy võ thuật mới có thể xin giấy phép để hoạt động. Trước đây điều lệ của Pháp rất khó, muốn mở lớp dạy võ phải hội đủ nhiều điều kiện như phòng ốc phải thoáng mát, quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu, trong nhà phải có mấy phòng vệ sinh, phòng tắm…Phòng tập của người Việt Nam khó đáp ứng được những điều kiện đó nên không bao giờ xin được phép cả.
Lấy tư cách Tổng thư ký, tôi can thiệp với các giới chức thể thao, đến gặp cả ông Tổng giám đốc Thanh niên và Đô trưởng Sài Gòn trình bày rằng bây giờ Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam thường xuyên tổ chức võ đài thì các võ sĩ phải có nơi tập luyện, khi tập xong họ về nhà tắm rửa sau, không cần phải ràng buộc điều kiện vệ sinh gắt gao đối với các phòng tập. Tôi cho rằng nên tạo điều kiện dễ dãi cho họ vì nếu không cho phép mở võ đường thì họ lén lút dạy riêng, khi đó thì nhà chức trách càng không kiểm soát được. Kể từ đó Vovinam cũng như các môn võ khác như Judo, Taekwondo mới bắt đầu phát triển.
Lúc nhận nhiệm vụ Tổng thư ký tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về việc điều hành nên phải tự học hỏi mà làm. Tôi nhận thấy các võ sư nổi tiếng đều nghèo vì thường chỉ chú trọng đến chuyên môn mà không biết khai thác tài nằng của mình để phát triển sự nghiệp, chưa kể nhiều người có cách sống thoải mái, chi tiêu bừa bãi. Do đó việc đầu tiên tôi chú trọng là tìm cách giúp cho một số võ sư sống được bằng chính nghề võ. Chẳng hạn như trường hợp ông Kid Dempsey Nguyễn Văn Phát là người Việt Nam trước đây đi lính bên Pháp từng thượng đài và đoạt giải nhì ở Pháp về quyền Anh ; Ông Ngọc Thôi (người miền Nam), ông Văn Hoán là võ sư từ ngoài Bắc vào. Ba ông này rất giỏi nhưng lại nghèo, tôi giúp đỡ họ bằng cách kêu gọi Mạnh thường Quân bỏ tiền ra tổ chức võ đài quyền Anh. Nhờ vậy mà họ có được thu nhập, đời sống vững vàng để chuyên tâm vào việc đào tạo lớp kế thừa, việc này phải do chính họ đảm đương chứ tôi không trực tiếp làm được. Bên võ thuật cổ truyền có ông Lư Hòa Phát rất giỏi mà lại nghèo cũng được tôi giúp.
Mặc dù thời gian này cuộc sống của bản thân và gia đình tôi rất khó khăn, nhưng trong cương vị mới tôi thấy mình có trách nhiệm phải lo cho đời sống các anh em trước và sẵn sàng chịu thiệt nhiều mặt. Chẳng hạn thời gian này vì mới vào Nam chưa được bao lâu, tôi cần tổ chức những buổi biểu diễn, vừa được tiền, vừa thu hút thêm học trò. Trên cương vị Tổng thư ký thì điều này đối với tôi thật dễ dàng nhưng tôi luôn từ chối để nhường cho các anh em khác. Tôi cũng thèm được tổ chức biểu diễn lắm, nên những khi có ai thật tình qúi mình mà ngỏ lời mời thì tôi nhận lời ngay, như có lần tôi đã nhận lời võ sĩ Huỳnh Tiền là một võ sĩ quyền Anh nhưng sau lại cho con đi học Vovinam). Còn những người mời tôi chỉ vì vị nể tôi là Tổng thư ký thì tôi từ chối thẳng thừng. Anh Huỳnh Tiền thường tự hào khoe với mọi người :
- Không ai mời ông Sáng cho biểu diễn Vovinam được ngoài tôi.
Trong việc điều hành tôi xử sự linh động tùy từng trường hợp nên các võ sư nổi tiếng thời ấy đều rất nể trọng xem tôi là bậc đàn anh. Thật ra tôi chỉ giỏi môn võ Vovinam nhờ đó mà uy tín chứ ngoài ra tôi không rành về các môn võ khác, nhưng tôi biết rõ khả năng từng người và sử dụng đúng chỗ, phát huy được ưu điểm của họ nên họ nghe theo. Do đó mà những chuyên viên chưa hẳn là những người lãnh đạo tốt, nếu chỉ dựa vào cái giỏi của mình thì không chắc sẽ thành công, mà quan trọng là phải biết sử dụng tài năng của người khác.
Năm 1960 tôi lại là Tổng thủ quỹ của Ủy hội thế vận Việt Nam (còn gọi là Ủy hội Olympic). Có một điều rất lạ là tôi tuy nghèo nhưng làm việc ở đâu cũng được chỉ định giữ tiền, có lúc tiền quỹ lên đến gần mời triệu là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Làm Tổng thư ký Tổng cuộc Quyền thuật trong suốt sáu nhiệm kỳ, từ năm 1958 đến năm 1970 thì tôi xin từ nhiệm do bận bịu nhiều việc trong môn phái Vovinam.
Riêng về các lớp võ Vovinam, năm 1957, anh Hóa – một người bạn quen biết từ ngoài bắc – mời tôi dạy võ tại trường của anh vào buổi tối, có trương bảng hiệu « Võ đường Vovinam » đàng hoàng. Sở dĩ anh mời tôi là vì trước đó tôi đã can thiệp giúp anh giải quyết một việc rắc rối. Lúc bấy giờ chưa có luật lệ rõ ràng, ai đến chiếm khu đất nào thì cứ việc cất nhà cửa rồi tìm cách hợp thức hóa giấy tờ là xong. Anh Hóa chiếm một khu đất xây dựng mở trường dạy học ở đường Trần Khánh Dư, Tân Định, khi bắt đầu xây dựng thì bị địa phương làm khó dễ. Thời gian này tôi đang dạy võ cho Bộ tư lệnh Hiến binh nên có quan hệ tốt với các cấp chức trách, tôi đã nhờ ông Đô trưởng sài Gòn can thiệp thành công.
Ngoài ra một thầy Đông y sĩ có nhà ở đường Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang cũng mời tôi mở lớp dạy võ tại đây.
Sang năm 1958, một người bạn của tôi tên là Lý Trung Hòa – người Việt lai Trung Hoa – vốn là ký giả ở Hà Nội, khi vào Sài Gòn cũng tiếp tục làm báo, mời tôi phụ trách lớp võ dạy cho các nhà văn, nhà báo cũng như rất nhiều người Hoa. Anh giúp đỡ tôi bằng cách giới thiệu cổ động trên báo. Anh cũng liên hệ với các ngân hàng của người Hoa để họ mời tôi dạy võ cho toàn bộ nhân viên của ngân hàng. Sau đó anh Hòa còn thuê giúp cho tôi một gian phòng lớn – trước đây là một vũ trường rất đẹp tại tầng lầu hai một ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo – của người bà con để làm võ đường.
Năm 1959 bố tôi qua đời, gia đình tôi chỉ còn ba mẹ con sống đạm bạc theo kiểu con nhà võ. Mẹ tôi rất khéo xoay sở trong gia đình, mùa nào thức ấy, đi chợ luôn chọn mua những thứ đúng mùa, vừa rẻ lại ngon và bổ. Tôi học theo lối sống của bà cụ, ăn theo mùa, cuộc sống thoải mái mà không tốn kém.
Thời kỳ này chính quyền Ngô Đình Diệm cấm mọi hoạt động của võ thuật nhưng tôi vẫn tìm cách xoay sở mở được võ đài nên các võ sĩ rất quý tôi. Tất nhiên tôi không tổ chức ở Sài Gòn vì nơi đây gần các cơ quan Chính phủ mà chuyển xuống các tỉnh, riêng việc này đã chiếm nhiều thì giờ của tôi rồi.
Tôi nhân danh Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho các võ sư có khả năng tổ chức võ đài với điều kiện phải xin phép chính quyền địa phương, phải dóng thuế đầy đủ. Rồi tôi liên hệ với các địa phương, lúc bấy giờ viên tỉnh trưởng thường là người của quân đội, mang cấp bậc đại tá hoặc trung tá, rất có thế lực ở địa phương nên mạnh dạn ký giấy phép cho. Tôi lại dặn dò những bạn bè ký giả thể thao khoan đề cập đến những trận đấu này trên mặt báo, đợi sau khi tổ chức xong rồi muốn nói gì thì nói. Nhờ vậy mà các võ sư còn phương cách sống để có thể tiếp tục duy trì môn phái.
Năm 1960 môn phái Vovinam chịu một cái tang lớn : vào ngày 30 – 4 (nhằm ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tý) Sáng Tổ qua đời, hưởng dương 49 tuổi, để lại vợ và chín người con gồm ba trai và sáu gái.
Chúng tôi an táng Sáng Tổ tại nghia trang Mạc Đỉnh Chi. Ngày tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã thay mặt toàn thể môn sinh đọc lời vĩnh biệt :
Anh Nguyễn Lộc !
Tử sinh ai cũng một lần, nhưng chúng em cũng như toàn thể môn sinh Vovinam thật không ngờ lại sớm có cái giờ phút đau đớn này.
Nhớ thủa xưa, khi nước nhà còn trong vòng nô lệ, nặng mang bầu máu nóng sục sôi, anh đã tách ra khỏi lứa bạn đời mê mải để dấn thân vào hướng đường cao đẹp.
Với trí óc suy tư siêu việt, anh đã dung hòa tinh túy của các nền võ thuật cổ kim Âu-Á để sáng tạo cho nước nhà một môn võ hợp thời riêng biệt.
Rồi qua bao thời gian biến đổi, anh đã quảng bá môn võ thuật do anh sáng tạo, truyền sức sống quật cường mãnh liệt cho bao thế hệ thanh niên để gây thành phong trào khỏe của những lớp người biết hãnh diện với dòng máu anh dũng chảy trong huyết quản mà tin tưởng yêu đời, tau dồi nhân cách.
Tổ quốc bởi anh mà thêm phần rạng rỡ.
Thanh niên vì có anh mà khỏi ngơ ngác, bơ vơ.
Và do đó, danh anh đã từng vang khắp đất nước, suốt từ Bắc vào Nam có hàng triệu môn sinh.
Thời Pháp, thực dân đã phải e dè anh, tìm đủ mọi cách cũng không thể mua chuộc nổi anh ; thời Nhật, phát xít cũng không lung lạc được anh bằng tiền tài hay bằng danh vọng. Và trong suốt thời gian đất nước chuyển mình, anh đã hiến cho dân tộc một khí giới sắc bén nhất để tin tưởng trong công cuộc bảo vệ non sông gấm vóc. Nhưng bao giờ cũng vậy, anh vẫn đứng ngoài vòng kiềm tỏa với đời sống hiên ngang tự lập và mục đích duy nhất : đào tạo từng thế hệ thanh niên khỏe mạnh hoàn toàn về tinh thần và thể xác.
Thế mà trời xanh kia sao nỡ oái oăn, sớm vội cất anh đi cho bao người mến tiếc !
Hỡi ơi ! Anh Nguyễn Lộc !
Điếu anh không khỏi nghẹn lời, này thân quyến anh đây, nghẹn ngào nhỏ lệ, Nọ học trò anh đó, đau lòng tử biệt sinh ly.
Chúng em khóc anh, cảm vì nghĩa thầy trò thắm thiết ;chúng em khóc anh, cảm vì ơn tri ngộ sâu xa, anh đã coi chúng em như những nghĩa đệ, đối xử với chúng em như tình máu mủ ruột rà.
Giờ đây, thực anh không còn ở nơi tần thế, thể xác anh đã mất, song tinh thần anh vẫn còn, và sẽ còn mái mãi trong các em, trong các thế hệ mai sau, trong lòng người và trong lịch sử.
Trước thế nào, sau thế ấy, chúng em nguyện sẽ noi gương anh, không phụ lòng anh ủy thác, tiếp tục xây đắp nền võ đạo cho dân tộc.
Anh Nguyễn Lộc!
Cái sống của anh đã làm vẻ vang cho đất nước thì cái chết của anh cũng chỉ có nghĩa là đã truyền sinh lực hết cho các em, rồi đến lượt các em lại kế tiếp truyền sinh lực cho giống nòi, cho lớp người mai hậu.
Cùng với hồn thiêng sông núi, các em tin rằng anh sẽ còn mãi mãi bên các em để dìu dắt, nhắc nhở các em làm tròn phận sự.
Hởi ơi ! Anh Nguyễn Lộc !
Giờ phút này, quây quần quanh đây, một thiểu số các em xin nghiêng mình trước linh cữu anh để bái biệt và cầu nguyện cho anh, hồn anh được thảnh thơi nơi Non Bồng Nước Nhược.
Còn nữa
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)
Email: vophuckimminh@gmail.com
Tin tức khác
- Tiểu sử võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc
- Đặc trưng cơ bản của vovinam
- Cấp bậc đai trong Vovinam
- 10 điều tâm niệm của môn sinh vovinam
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P12)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P11)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P10)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P9)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P8)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P7)
-
Giá: 80.000
-
Giá: 600.000
-
Giá: 150.000
-
Giá: 190.000
-
Giá: 40.000
-
Giá: 260.000
-
Giá: 150.000
-
Giá: 180.000