Danh mục sản phẩm
Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P11)
Từ hơn mười năm nay rất nhiều võ sư nước ngoài – cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc – đã về Việt Nam để bái Tổ và học hỏi thêm kinh nghiệm. Một số võ sư nước ngoài đạt trình độ cao, đòn thế vững vàng hơn cả một số võ sư Việt Nam, vì muốn chuẩn hóa nên về Tổ đường ở trong nước để thụ giáo thêm. Chẳng hạn như là võ sư người Pháp tên là Patrick, nay đã đạt đến Chuẩn hồng đai, võ nghệ rất giỏi và đã từng dạy Vovinam nhiều nơi trên thế giới. Anh học Vovinam với võ sư Nguyễn văn Chiếu. Khi về đây ôn luyện, có lần Patrick hỏi tôi nếu người ngoại quốc giỏi Vovinam hơn người Việt nam thì thầy Chưởng môn nghĩ thế nào? Tôi trả lời người nào giỏi thì mang đai lớn hơn, đó là lẽ công bằng và bình thường thôi.
Một võ sư khác là Furgen Schwerdtmann người Đức, dầu tiên do võ sư Nguyễn Tiến Hội truyền thụ, ôn luyện trao đổi với võ sư Nguyễn Thành Xê ở Đức rồi sang Úc học thêm với võ sư Lê Công Danh. Sau đó anh về Việt Nam học tập tại Tổ đường, nay đã lên đến Hồng đai Đệ nhất cấp.
Hiện nay hầu hết các võ sư điều khiển những võ đường Vovinam ở hải ngoại đã chấp nhận đi vào nề nếp của môn phái, chỉ còn một số ít vì chưa kiện toàn hoặc có ý khác nên chưa chính thức nối liên lạc với tôi. Tôi hy vọng đây chỉ là vấn đề thời gian, không bao lâu nữa tất cả sẽ quay về một mối.
Kỹ thuật khóa chân số 1 do Đs.Chưởng môn thực hiện với Vs.Nguyễn Văn Sen.
Di sản Sáng Tổ để lại rất quý báu, đặc biệt lúc sinh thời ông chỉ giảng chứ không viết thành bài bản, có viết rồi cũng xé bỏ. Lúc còn trẻ tôi nhớ nằm lòng những lời thầy giảng nên sau khi Sáng Tổ mất, tôi tiếp tục nối sự nghiệp của Người đã ghi lại gần như đầy đủ. Trong tương lai nếu những sách này được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài thì chắc chắn đó là những tài liệu quý báu cho việc nghiên cứu võ thuật cũng như tinh thần triết lý của Việt Võ Đạo. Tôi tin tưởng rằng những tư tưởng này sẽ tồn tại, theo quy luật muôn đời thì dù có lúc nắng lúc mưa, lúc lên lúc xuống, nhưng những gì có giá trị luôn tồn tại với thời gian. Hiện nay Vovinam đã phát triển ra quốc tế, nhưng muốn dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha thì đòi hỏi người dịch phải có hiểu biết nhất định về môn võ để am hiểu rõ ràng nhất là về mặt tư tưởng, để nội dung các tài liệu được chuyển tải trọn vẹn tinh thần Vovinam – Việt Võ Đạo
Năm 1997 võ sư Trần Huy Phong qua đời vào lúc 19 giờ 35 phút ngày 13 tháng 12 (nhằm ngày 14 tháng 11 năm Đinh Sửu) tại nhà riêng ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và được hỏa thiêu vào sáng ngày 18 tháng 12 năm 1997 tại Bình Hưng Hòa.
Nhân đây tôi muốn nhắc lại thân thế và sự nghiệp của một người từng đóng góp nhiều công sức vào việc duy trì và phát triển môn phái Vovinam.
Võ sư Trần Huy Phong tên thật là Trần Quốc Huy, trong gia đình thường gọi thân mật là Trọng Bách. Ông sinh ngày 14 – 11- 1938 (Mậu Dần) tại xã Hải trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ; là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Bảng (1889 -1975) và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Nhạn (1913 –1993).
Cuối năm 1954, ông bắt đầu theo học Vovinam với Sáng Tổ Nguyễn Lộc tại võ đường Thủ Khoa Huân- Sài Gòn. Năm 1957, khi Sáng Tổ lâm bệnh không trực tiếp giảng dạy được nữa thì đến lượt tôi là người hướng dẫn võ sư Phong.
Dành gần trọn cuộc đời đóng góp cho sự nghiệp phát triển Vovinam – Việt Võ Đạo, võ sư Trần Huy Phong cũng là người đầu tiên được phong Hồng đai Đệ ngũ cấp (tương đương với Huyền đai Cửu đẳng tính theo hệ đẳng cấp quốc tế) vào năm 1989.
Khi đó tôi đã viết lời nhận xét đánh giá như sau : «Thầy Trần Huy Phong là người có công lớn thứ hai sau Chưởng môn trong quá trình khôi phục và phát triển Vovinam từ đầu thập niên 60 đến nay ».
Nhiều môn đệ của võ sư vẫn tiếp tục quảng bá Vovinam trong và ngoài nước. Ông cũng đã vận động hỗ trợ kinh phí tổ chức giải vô địch Vovinam – Việt Võ Đạo Việt Nam vào các năm 1992. 1993.
Trên tinh thần góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục dân tộc, tháng 11 năm 1993, ông là thành viên nòng cốt của Hội đồng sáng lập đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tâm Thể trường Đại học dân lập Hùng Vương – Thành phố Hồ Chí Minh.
Võ sư Trần Huy Phong lập gia đình muộn. Ông kết hôn cùng cô Đặng Thị Xuân Loan vào năm 1996. Do căn bệnh ung thư hiểm nghèo đeo đẳng suốt mấy năm liền, sau ba lần qua Pháp trị bệnh, dù biết sức khỏe đã rất suy yếu, tính mệnh sắp lâm nguy, ông vẫn bình tĩnh , can đảm chống chọi với bệnh tật bằng một tinh thần lạc quan cũng như tiếp tục trao đổi nhiều ý kiến xây dựng cho các môn đệ.
Là người có nhiều tâm huyết với môn phái, hăng say trong công việc, có những tư tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách khó khăn, có tình thần đùm bọc giúp đỡ anh em cùng với khả năng giao tiếp rộng rãi, võ sư Trần Huy Phong đã lưu lại nhiều niềm thương tiếc trong thân hữu , bạn bè, gia điình và nhiều thế hệ võ sư, huấn luyện viên Vovinam – Việt Võ Đạo.
Trở lại việc lựa chọn người kế vị Chưởng môn, do có những xáo trộn trong nội bộ thời gian trước đây, tôi đã tự phạt mình bằng cách truất quyền chỉ định chức Chưởng môn.
Do đó chức kế vị Chưởng môn trong tương lai sẽ được tổ chức bầu trong môn phái. Hơn nữa những tiêu chuẩn đưa ra trước đây bây giờ không còn phù hợp nữa. Lớp võ sư ưu tú ngày trước nay đã già cỗi, một số môn sinh ngoại quốc sau mấy chục năm theo học đã có nhiều người tài giỏi hơn cả môn sinh Việt Nam. Về cơ bản cũng có nhiều thay đổi, người học võ trước đây phần đông trọng về tinh thần và võ thuật còn trình độ học vấn không cao. Bây giờ tiêu chuẩn học vấn phải cao, cũng như trước đây không cần ngoại ngữ, nay thì những người giữ cương vị phụ trách có lẽ cần phải có trình độ ngoại ngữ nhất định.
Ngoài ra cũng phải nghĩ đến việc chon một võ sư đầy đủ uy tín để giữ chức « Chủ tịch Vovinam Thế giới », vì hiện nay môn phái đã phát triển rộng rãi ở nhiều nước.
Tuy nhiên về nguyên tắc, võ sư kế vị Chưởng môn phải có nhiều ưu điểm hơn võ sư Chưởng môn và cứ thế tiếp tục mãi mới có thể đáp ứng được yêu cầu quảng bá của môn phái và ý chí vượt tiến của môn sinh trước tình hình môn phái Vovinam ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi một hệ thống lãnh đạo đa năng hơn.
Ngoài các tiêu chuẩn về nghi diện, đức độ, ý chí, kiến thức, khả năng, nếp sống, lề lối làm việc…, quan điểm của tôi là cương vị Chưởng môn nhất thiết phải được giao cho một người Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam, thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ và thường trú trong nước. Còn chức Chủ tịch Vovinam Thế giới có thể là người nước ngoài nhưng phải rành tiếng Việt.
Trong tương lai, phạm vi quyền hành của Chưởng môn cũng hạn hẹp chứ không còn trọn quyền trong tất cả mọi mặt như xưa nữa. Khi đó vai trò Chưởng môn sẽ chỉ như Nữ Hoàng của nước Anh hay Thiên hoàng của nước Nhật, chính Thủ tướng mới là người nắm quyền.
Chủ tịch Vovinam Thế giới thì tuy nắm quyền lãnh đạo môn phái trên phạm vi toàn cầu, nhưng trên thực tế mỗi võ đường đều tự điều hành, không ai có quyền can thiệp vào nội bộ của họ.
Chưởng môn hay Chủ tịch đều do anh em bầu ra và có thể qui định thời gian, chẳng hạn một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Chỉ có chương trình học tập, thi cử là thống nhất, còn tổ chức lễ hội và cúng giỗ thì chia ra phù hợp theo từng vùng. Thi đấu, hội diễn có thể cùng nhau tổ chức chung, nhưng hoạt động võ đường tùy theo khả năng riêng.
Trụ sở Vovinam tại đường Sư Vạn Hạnh hiện nay vẫn duy trì làm Tổ đường và võ đường (năm 1982 nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi giải tỏa theo qui hoạch của thành phố. Do toàn bộ gia đình Sáng Tổ sống ở ngoại quốc nên các môn sinh đã bốc mộ, hỏa thiêu hài cốt của Sáng Tổ và mang về thờ tại Tổ đường).
Còn nữa
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)
Email: vophuckimminh@gmail.com
Tin tức khác
- Tiểu sử võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc
- Đặc trưng cơ bản của vovinam
- Cấp bậc đai trong Vovinam
- 10 điều tâm niệm của môn sinh vovinam
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P12)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P10)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P9)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P8)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P7)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P6)
-
Giá: 150.000
-
Giá: 160.000
-
Giá: 150.000
-
Giá: 190.000
-
Giá: 850.000
-
Giá: 85.000
-
Giá: 150.000
-
Giá: 350.000