Danh mục sản phẩm
Vovinam trên đường quốc tế hóa
Hơn 300 võ sĩ từ 22 quốc gia, không phân biệt đẳng cấp,màu da đã góp mặt tranh tài tại giải vô địch thế giới Vovinam (Việt Võ Đạo) lần thứ 2 – 2011 vừa kết thúc tại TP HCM (từ 27-7 đến 31-7).
Đây chính là sự kiện thể thao trong nước đáng chú ý nhất trong tuần qua, đồng thời là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình quốc tế hóa môn võ Việt Nam này.
Sao võ Việt Nam lại không thể?
Trước Vovinam, người yêu thể thao và võ thuật khắp thế giới đã được biết đến Judo và Taekwondo, 2 môn võ thể thao đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic. Trước đó nữa, Boxing (nôm na là môn đấm bốc, sau này được người Anh cải tiến thành môn võ thể thao hiện đại với luật thi đấu quy củ nên gọi là quyền Anh), là môn võ đầu tiên trên thế giới được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội.
Tại châu Á, cùng với niềm vinh dự từ Judo, người Nhật Bản còn đã và đang rất tích cực vận động, quảng bá để một môn võ rất nổi tiếng khác là Karatedo cũng sẽ đạt các “chuẩn” cần thiết để có mặt tại Olympic. Trong khi ấy, mặc dù đã phát triển rất sâu rộng, nhưng môn Wushu của người Trung Quốc vẫn mới chỉ dừng ở mức độ là một “công cụ” quảng bá hình ảnh văn hóa và võ học Trung Hoa trên toàn cầu chứ chưa được công nhận là môn thể thao xứng đáng được đưa vào chương trình của Olympic.
Một kĩ thuật cơ bản của môn Vovinam
Xin được bắt đầu từ Boxing, môn võ chỉ sử dụng đòn thế của 2 nắm tay, được cho là đã xuất hiện ngay trong các kỳ Olympic cổ đại trước Công nguyên khoảng hơn 600 năm do các chiến binh Hy Lạp sáng tạo ra (!).
So với Boxing, con đường quốc tế hóa của các môn võ thuật khác gian nan hơn rất nhiều. Ví dụ như Wushu, có nguồn gốc từ 2 môn phái võ thuật lớn nhất của Trung Hoa trước đây là Thiếu Lâm (Shaolin) và Võ Đang (Wudang). Mặc dù có lịch sử hàng ngàn năm (các môn võ gốc truyền thống), nhưng mãi tới năm 1958, Wushu mới thật sự được hệ thống hóa thành một môn võ bài bản, có Liên đoàn quản lý và định hướng việc quảng bá trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bởi sự bảo thủ trong cách tân luật thi đấu cũng như sự cảm tính ảnh hưởng quá nhiều tới việc chấm điểm của các bài thi taolu (nội dung quyền), nên mặc dù đầy sức hấp dẫn và có tính nghệ thuật cao, được truyền bá rộng khắp bởi những người Hoa khắp thế giới, nhưng Wushu vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn trên hành trình trở thành một môn võ thể thao.
Môn Judo (nhu đạo) của người Nhật Bản có tốc độ quốc tế hóa cao hơn rất nhiều nếu so với Wushu. Ngay từ khi được sáng lập bởi tổ sư Kano Jigoro vào năm 1882, Judo đã được định hướng là môn võ đề cao sự mềm mại, lấy nhu chế cương, trong đó đòn thế chủ yếu là các chiêu khóa, bẻ, nắm, quật, ném… khiến đối phương mất thăng bằng hoặc “mượn lực đả lực”. Không phải tự nhiên mà ngay từ lần đầu tiên được biểu diễn tại Olympic năm 1932 tại Los Angeles (Mỹ) do đích thân tổ sư Kano cùng đoàn 200 môn đồ từ Nhật Bản, Judo đã gây tiếng vang và có sức hấp dẫn bởi tính thể thao của nó. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, cùng với những nỗ lực phục hồi kinh tế, người Nhật đã xem Judo như một công cụ để truyền bá văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước mình. Tuy nhiên cũng phải 32 năm sau lần đầu biểu diễn tại Olympic, vào năm 1964, Judo mới trở thành môn thi đấu tại Thế vận hội sau khi hệ thống luật thi đấu đã hoàn chỉnh (Liên đoàn Judo thế giới thành lập từ năm 1951).
Ngày 11-4-1955, cái tên Taekwondo chính thức ra đời sau khi tổ sư Choi Hong Hi thống nhất các đạo quán và Liên đoàn Taekwondo Hàn Quốc chính thức ra đời. Kể từ đó tới nay, chính phủ Hàn Quốc đã mau chóng định hướng để Taekwondo phát huy tối đa vai trò quảng bá văn hóa và tinh thần của người Hàn ra thế giới. Có cả một chính sách “ngoại giao Taekwondo” sau này được thực thi, nhiều võ sư được cử đi khắp thế giới để giảng dạy, huấn luyện môn võ này (trong đó lần đầu tiên Taekwondo được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1962). Năm 1966, Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) được thành lập. Tuy nhiên, nhằm nâng cao khả năng quốc tế hóa của môn võ này, đặc biệt là thuận tiện cho việc cải tiến luật thi đấu, vào năm 1973, thêm Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) ra đời. Chính sự thiếu thống nhất giữa 2 tổ chức này mà trong một thời gian, sự phát triển của Taekwondo bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính bởi chủ trưởng quốc tế hóa mạnh mẽ hơn nên cuối cùng thì WTF đã thắng thế. Tại Olympic Seoul năm 1988, Taekwondo được đưa vào biểu diễn và 12 năm sau trở thành môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội (Sydney năm 2000).
Ngoài các môn trên, trên thế giới hiện có rất nhiều môn võ truyền thống đã được quốc tế hóa và có giải VĐTG uy tín như Karatedo (Nhật), Muay (Thái Lan), Pencak Silat (Indonesia). Còn võ Việt Nam thì sao?
Vận hội mới dành cho Vovinam
Ngay từ tên gọi đã phần nào cho thấy tinh thần yêu nước của sáng tổ Nguyễn Lộc, SN 1912. Mặt khác, theo những tài liệu để lại, tổ sư Nguyễn Lộc ngụ ý sau này Vovinam sẽ có tương lai trên trường quốc tế và chỉ cần đọc cái tên rất dễ nhớ ấy lên, là người ta có thể biết ngay gốc gác của môn phái. Sau ngày đất nước thống nhất, môn Vovinam đã theo chân những người con Việt Nam tỏa đi khắp thế giới, tới nay đã có mặt và phát triển tại hơn 40 quốc gia. Vovinam đặc biệt phát triển tại châu Âu, với nhiều võ đường tại Pháp, Ý, Nga..
.
Vovinam đầy hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế
Cùng tới gian ấy, dưới sự lãnh đạo của võ sư chưởng môn Lê Sáng (một trong những học trò cưng của tổ sư Nguyễn Lộc), Vovinam liên tục được hệ thống hóa, ngày càng hoàn thiện hệ thống từ các kỹ thuật cơ bản cho tới bài đối luyện, các đòn thế tấn công, phòng thủ đặc dị của bản môn (tiêu biểu nhất là chiêu bay người dùng 2 chân kẹp cổ đối phương và quật ngã đối thủ bằng động tác vặn hông – thế võ này thậm chí đã được một số cao thủ võ thuật thế giới bắt chước, tập luyện và áp dụng vào phim ảnh), các bài quyền…
Với sự hấp dẫn rất riêng của Vovinam, nhận thấy cơ hội phát triển rất lớn của môn này, Ủy ban TDTT trước đây và Tổng cục TDTT sau này đã cùng phối hợp với Tổng hội Vovinam tiến hành các bước đi nhằm quảng bá mạnh mẽ hơn môn võ này, trước mặt tại khu vực và châu lục. Hàng loạt chuyến đi nhằm biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá môn võ này đã được thực hiện trong các năm gần đây.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập và phát triển Vovinam, Liên đoàn Vovinam thế giới (tên đầu tiên là Liên đoàn Vovinam quốc tế) đã chính thức được thành lập và BCH ra mắt trọng thể tại TP HCM. Vài tháng sau đó, Liên đoàn Vovinam châu Á được thành lập sau kỳ đại hội ở Tehran (Iran). Tháng 10-2010, Liên đoàn Vovinam châu Âu ra mắt tại Paris (Pháp)…
Đoàn VN đã giành 20 HCV để đứng đầu giải VĐTG lần 2 vừa qua, đồng thời chúng ta cũng tràn đầy hy vọng sẽ dẫn đầu môn này tại SEA Games 26 vào tháng 11 tới (lần đầu tiên Vovinam được đưa vào thi đấu tại SEA Games), đấy là điều không có gì lạ. Nhưng bên cạnh đó, với những ai trăn trở về vận hội quốc tế hóa mạnh mẽ một môn võ của Việt Nam trên trường quốc tế thì những thành tích ấy trước mắt không thật quan trọng. Chúng ta cần không ngừng hoàn thiện và nâng cao vẻ đẹp của Vovinam trong mắt bạn bè quốc tế, để tới một lúc nào đấy, hễ nhắc tới Vovinam là người ta biết đến Việt Nam, và ngược lại, nhắc tới thể thao Việt Nam là người ta có thể nhớ tới Vovinam như một món “đặc sản” như Taekwondo của người Hàn hay Judo của người Nhật vậy!
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
VÕ PHỤC KIM MINH
ĐC: 2/51 Diệp Minh Châu, P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916 34 44 94 (Ms Thái)
Email: vophuckimminh@gmail.com
Tin tức khác
- Tiểu sử võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc
- Đặc trưng cơ bản của vovinam
- Cấp bậc đai trong Vovinam
- 10 điều tâm niệm của môn sinh vovinam
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P12)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P11)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P10)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P9)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P8)
- Hồi ký của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng (P7)
-
Giá: 600.000
-
Giá: 175.000
-
Giá: 280.000
-
Giá: 230.000
-
Giá: 360.000
-
Giá: 450.000
-
Giá: 260.000
-
Giá: 720.000